Nơi chia sẻ, kết nối tri thức
và lan tỏa tình yêu thiên nhiên

Trang Chủ Kết Nối Đó Đây Tản mạn về hệ thực vật Đà Nẵng

Tản mạn về hệ thực vật Đà Nẵng

Admin giáo dục

07/03/2023

Không biết có tên từ khi nào, chỉ biết Sơn Trà là kết quả kiến tạo của thiên nhiên trải qua cả trăm triệu năm từ sự vận động của vỏ trái Đất hình thành nên cánh cung núi Bạch Mã-Hải Vân-Sơn Trà. Bằng chứng bắt gặp là các mảnh sót lại dạng “Thể tù” của loại đá biến chất phân lớp, các khối đá biến chất này đã tạo nên sự đa dạng của cảnh quan sinh thái với các cung bờ lồi, lõm và thoài dài từ độ cao 700m qua các “yên ngựa” tới đỉnh Bàn cờ, đỉnh Vọng Cảnh, xuống tới 0m của mặt Biển. Sự đa dạng của cảnh quan kéo theo sự đa dạng của hệ thực vật và động vật cộng với mối quan hệ chặt chẽ bền vững này để có được kho báu “ Sơn Trà” của ngày nay. Với diện tích toàn bộ bán đảo 4.370ha trải dài khoảng 13,5 km từ Tây-Bắc qua Đông-Nam giống như một bức tường kiên cố của thành phố Đà Nẵng trong mùa bão tháng 10 hàng năm. Mùa nắng không thể không kể tới Hồ Xanh, viên ngọc này được Sơn Trà ôm lấy như một phần không thể thiếu của mình, bằng một cách nào đó mà nước ngọt trong hồ không bao giờ cạn để cho những người con Đà Nẵng uống qua bao đời! Có lẽ màu xanh của hồ hiện ra trong làn nước trong đó là màu của trời của rừng cây trên núi! Đến đây cũng nhận thấy sự quan trọng của hệ thực vật vô cùng phong phú trên bán đảo, với khoảng 1500 loài thực vật, bao gồm từ cây gỗ lớn đến cây bụi, dây leo, cỏ và dương xỉ (Khuyết thực vật), rất nhiều loài làm thuốc, một phần thực vật có nét tương đồng giống Nam Hải Vân, Bà Nà như các loài Dầu, Chò đen (Dipterocarpaceae), các loài Dẻ (Fagaceae), Chẹo (Juglandaceae), Găng cao hay các loài Xú hương trong họ Cà phê (Rubiaceae)…rất nhiều. Một phần thực vật lại có đặc điểm của hệ thực vật ven biển miền Trung như các loài: Mộc (Sapotaceae), Cam đường (Rutaceae), Gội biển (Meliaceae), Cui biển (Sterculiaceae) hay Từ bi (Verbenaceae)…Song Sơn Trà vẫn có cái riêng của mình như các loài Mát đen, Mát hoa trắng (Fabaceae), cùng với hệ thống giây leo đa dạng như dây Móng bò, Sống rắng hay Tràm bìa (Fabaceae), Chạc chìu (Dilleniaceae), Trung Quân (Ancistrocladaceae)… .Chính vì vậy “ngôi nhà” Sơn trà này có rất nhiều sinh vật đến làm nơi cư trú và được cấp “Sổ đỏ” hợp pháp, cuốn sổ đỏ này chính là Quyết định số 41TTg ngày 24-1-1977 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Từ đó những loài sinh vật trên bán đảo được giữ gìn và bảo tồn nghiệp ngặt cho tới ngày nay. Góp phần trong ngôi nhà đa dạng sinh học đó không quên nhắc tới loài Chà vá chân nâu Pygathrix nemaeus(Chà vá chân đỏ, Voọc ngũ sắc), với khuôn mặt có lông trắng dài, vòng cam quanh cổ, ống chân đỏ, bàn tay đen và chiếc đuôi dài trắng… Không thể nói hết vẻ đẹp cũng như sự sinh động của loài này nếu không tận mắt nhìn thấy những gia đình Chà vá chân nâu trên bán đảo! Trên đường đi quanh bán đảo thường bắt gặp các loài động vật khác như gà rừng, chồn đèn và nhiều nhất có lẽ là Khỉ vàng. Đi sâu vào những cánh rừng già thỉnh thoảng lại bắt gặp Culi hay dấu chân của heo rừng. Chưa kể đến các loài chim di cư trú hoặc di cư qua bán đảo một thời gian để kiếm ăn hoặc sinh sản ở đây. Trên rừng là vậy, dưới biển đâu có thua kém gì, 3 phía của Sơn Trà được bao quanh là Biển với những sinh cảnh khác nhau, có nơi là bờ đá dựng, hay những tảng đá lớn, có nơi lại là những bãi cát vàng trải dài. Những rạng san hô, cỏ biển lại đóng vai trò là nơi cư trú, sinh sản của các loài giáp sác, tôm, cá, mực… Để hiểu rõ hơn về đa dạng sinh học dưới Biển Sơn Trà thì đến với Sasa Team Marine Animals Rescue! Đó là sự chung tay bảo vệ của Hạt Kiểm Lâm Sơn Trà Ngũ Hành Sơn và rất nhiều tình nguyện viên, hội nhiếp ảnh, nhà khoa học và của cả thế hệ trẻ của thành phố, cùng các trung tâm hoạt động về bảo tồn đa dạng sinh học trên bán đảo Sơn Trà. Gắn bó rất lâu, có nhiều nghiên cứu và các hoạt động bảo tồn thiên nhiên trên Sơn Trà không quên được Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt xanh (GreenViet) với nhiều thành viên trẻ, có kiến thức và nhiệt huyết với thiên nhiên nơi đây.

 

Bên cạnh những nét đẹp của Sơn Trà, sự chung tay của thành phố Đà Nẵng cũng như các cá nhân, tổ chức kể trên là sự thách thức trong một tương lai gần phải đối mặt! Sơn Trà có giữ được nguyên sơ không? Trước sức ép của sự phát triển kinh tế, xã hội, rác thải, hay ý thức của người đi du lịch hiện nay cho thấy còn nhiều góc tối chưa được làm sạch để trả lại cái vốn có của thiên nhiên Sơn Trà!

Bạn hãy hành động cho Sơn Trà nhé!

 

Bài viết được viết bởi Chuyên gia thực vật Trần Ngọc Toàn, Viện Sinh thái học Miền Nam, Cố vấn Trang thông tin thiên nhiên Đà Nẵng.

 


 

Từ khoá: